Vài ba năm trở lại đây, việc học kỹ năng sống (KNS) trên địa bàn thành phố đã trở thành trào lưu. Thậm chí, việc cho con đi học KNS trở thành "mốt thời thượng" của không ít phụ huynh. Vì thế mà các cơ sở tự nhận là đào tạo, giảng dạy KNS mọc lên một cách vô tội vạ và rất khó kiểm soát.
Vài ba năm trở lại đây, việc học kỹ năng sống (KNS) trên địa bàn thành phố đã trở thành trào lưu. Thậm chí, việc cho con đi học KNS trở thành "mốt thời thượng" của không ít phụ huynh. Vì thế mà các cơ sở tự nhận là đào tạo, giảng dạy KNS mọc lên một cách vô tội vạ và rất khó kiểm soát. Cho đến nay, chưa một ai và một cơ quan chức năng nào trong lĩnh vực này thống kê được đầy đủ là thành phố hiện có bao nhiêu cơ sở đào tạo KNS và chất lượng đào tạo như thế nào. Ngoài một vài cơ sở "có tên tuổi" được nhiều người biết đến như Học kỳ quân đội do Trung tâm Thanh thiếu niên miền nam tổ chức, Trại hè quân đội của Công ty Tây Nam (trực thuộc Quân khu 7), Công ty Vui Cùng Bạn ở quận Tân Bình... Gần đây, một số trường học trên địa bàn thành phố kết hợp với một đơn vị tư nhân để thành lập Trung tâm kỹ năng sống như Desert Flower hay Tôi tài giỏi do TGM Corporation tổ chức là hoạt động tương đối có hệ thống, bài bản. Số còn lại thì không biết đâu mà lần. Điểm chung của các trung tâm, cơ sở dạy KNS là học phí khá cao và không có giáo trình chính thức, đạt chuẩn và chương trình giảng dạy nặng tính tự phát. Ở các cơ sở có tên tuổi, chương trình giảng dạy KNS chủ yếu tham khảo, cóp nhặt từ các chương trình tương tự ở nước ngoài như của Mỹ, Hàn Quốc, sau đó "biến tấu" theo cách của mình. Còn đội ngũ tham gia giảng dạy cũng hầu như không có bằng cấp chuyên môn gì về lĩnh vực này. Thậm chí có nơi, người đứng lớp là nhân viên du lịch chuyển sang, không có điều phối viên cũng như giáo viên chuyên nghiệp. Ở một số cơ sở khác thì việc huấn luyện KNS theo kiểu có gì dùng nấy, nghĩ gì dạy nấy. Vừa dạy vừa tự mày mò thiết kế chương trình với những cái tên khá lạ tai: Teen xuống phố, Teen bản lĩnh, Teen chia sẻ - Cho là nhận... Cho nên, đã có tình trạng học viên rơi rụng dần vì chương trình quá nặng và thiếu tính khoa học. Dẫn đến tình trạng, có nơi nhà trường phải ép giáo viên, học sinh. Chưa kể, các cơ sở nhận đào tạo về KNS còn phát tờ rơi quảng cáo với những lời lẽ rất khoa trương: "Trung tâm giáo dục kỹ năng sống hàng đầu", "Cam đoan hoàn thiện kỹ năng", "Kỹ năng sống đỉnh cao"... Kèm theo đó là nhiều chuyên gia KNS bỗng dưng xuất hiện mà chẳng biết tốt nghiệp chuyên ngành này ở trường nào với những danh xưng: "chuyên gia kỹ năng sống", "giảng viên hàng đầu về kỹ năng sống", "diễn giả về kỹ năng sống"... Khiến phụ huynh và học sinh như rơi vào mê hồn trận, không biết đâu mà lần. Nói tóm lại, việc đào tạo, giảng dạy KNS trên địa bàn thành phố đang hướng tới mục đích kiếm tiền là chính chứ không nhằm trang bị những kiến thức về kỹ năng sống cho học viên. Trong khi đó, theo Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), kỹ năng sống gắn với bốn trụ cột của giáo dục: Học để biết (gồm các kỹ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả...); Học làm người (gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin,...); Học để sống với người khác (gồm các kỹ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông); Học để làm (gồm kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như: kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,...). Như vậy, kỹ năng sống bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của con người. Bản chất của kỹ năng sống là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả... Nói cách khác, kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi con người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống. Việc giáo dục kỹ năng sống phải góp phần khắc phục tình trạng trẻ thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm, thậm chí không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ... Chứ không đơn thuần là vui chơi, giải trí với một vài chiêu trò do ai đó tự nghĩ ra. Do đó, việc giảng dạy, đào tạo kỹ năng sống phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản theo một trình tự, một hệ thống giáo trình và các chương trình phù hợp với từng đối tượng, tâm sinh lý của từng độ tuổi. Và nhất thiết phải có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng về chất lượng giảng dạy cũng như các hoạt động có liên quan. Mặt khác, cũng cần coi đây là một dạng kinh doanh có điều kiện vì sản phẩm ở đây là con người. Không phải cứ ai thích là làm và làm một cách vô tội vạ như hiện tại. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong vấn đề này. Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm liên quan của thành phố cần tiến hành kiểm tra, quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm, đơn vị có hoạt động dạy KNS. VĂN ĐOÀN |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét