Ngày mai (1/4), các địa phương trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân triển khai kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm Bộ GTVT yêu cầu đồng loạt ra quân, vẫn còn nhiều tỉnh chưa sẵn sàng vào cuộc.
Thời điểm “nóng” nhất của xe quá tải Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Q. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Đây là thời điểm “nóng” nhất của tình trạng xe quá tải hoành hành, nên không làm không được và không làm đồng loạt, quyết liệt cũng không thể thành công.
Trên thực tế, từ giữa năm 2013 đến nay, việc kiểm soát tải trọng xe đã bắt đầu được khởi động. Đến thời điểm này, các địa phương trên cả nước đã được trang bị bộ cân xe lưu động. Những nội dung cơ bản nhất để có thể triển khai cân xe như quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, quy trình cân, chi phí hoạt động cân cũng đã được giải quyết. Ông Thắng cho biết, xe quá tải hoạt động cả ngày và đêm, vì thế, không thể một vài trạm cân, một vài địa phương triển khai cân là ngăn chặn được. Chỉ khi đồng loạt triển khai các trạm kiểm soát tải trọng xe tại tất cả các địa phương, đặt liên hoàn nhiều trạm kiểm soát trên tuyến nóng, kiểm soát xe quá tải 24/24h liên tục trong suốt thời gian dài mới giải quyết được tình trạng xe chở quá tải đang gây nhức nhối trong dư luận.
Vẫn còn địa phương lơ là Đáng nói là ngay trước thời điểm Bộ GTVT yêu cầu đồng loạt ra quân, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự sẵn sàng. Thống kê cho thấy, mới có 16 địa phương thành lập trạm kiểm soát tải trọng xe, 26 địa phương khác mới dừng ở bước lên kế hoạch và 23 địa phương chưa báo cáo gồm: Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang. Theo thống kê từ đầu tháng 1 đến 27/3, 16 địa phương được cho là tích cực trong triển khai cân xe, đã kiểm tra hơn 5.000 xe, phát hiện vi phạm và xử lý hơn 2.000 xe.
Nghệ An là tỉnh được ghi nhận rất tích cực trong cuộc chiến với xe quá tải thời gian qua. Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Trên QL1, QL8, QL15, đường Hồ Chí Minh đều là những điểm nóng về quá tải. Đến nay, tỉnh đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ra quân, đặt chốt chặn xe quá tải từ ngày 1/4/2014. Trước đó, tỉnh cũng đã khởi động công tác cân xe, vừa để tuyên truyền trong dân, vừa để tập cho anh em quen dần với công việc. Trong mấy ngày ra quân, đã phạt được hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, trước việc tới đây có làm cả 24/24h hay không, ông Kỳ cho rằng còn phải xem các địa phương bên cạnh làm thế nào. Nếu các tỉnh bạn không làm, mà chỉ một mình Nghệ An làm thì sức ép dồn cả lên một điểm, dễ xảy ra tắc nghẽn, nhất là trên QL1. Đồng quan điểm, ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT Yên Bái, một trong số các tỉnh đầu tiên trên cả nước tiếp nhận bộ cân xe lưu động cho biết: Từ 1/4/2014, Yên Bái vẫn tiếp tục đặt trạm cân tại Km130 trên tuyến QL70, thuộc huyện Yên Bình, một điểm nóng về quá tải. Tuy nhiên, lực lượng chức năng Yên Bái lo ngại nếu như việc xử lý xe quá tải không kiên quyết, đồng loạt ở các tỉnh lân cận thì đúng là “đổ khó cho Yên Bái”.Những lo ngại của Yên Bái không phải là không có cơ sở. Theo thông tin PV Báo Giao thông có được, có thể sau ngày 4-5/4, Phú Thọ - một tỉnh sát Yên Bái, sẽ cho dừng chốt chặn quá tải. Lý do, theo ông Lê Quang Hạ - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Phú Thọ là “để tập trung nhân lực phục vụ Lễ hội đền Hùng”. Ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, sau một thời gian quá lâu không quan tâm, nay bắt đầu chặn xe quá tải chắc chắn sẽ có khó khăn. “Quan trọng nhất là lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Chứ nếu anh em chọn điểm nóng, mang cân ra hôm trước thì ngay hôm sau có cuộc điện thoại của cấp trên báo thay đổi địa điểm. Lúc đó, xe cộ, trạm cân lại phải lục tục kéo ra chỗ khác thì khó có thể nói hay về kết quả thu được” - ông Thắng nhấn mạnh. Phương Anh |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét