(CAO) Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam, tổ chức vào sáng 5-4. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ - ban - ngành và các địa phương trên toàn quốc.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, phản ánh ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. Do vậy việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, phải tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cả nước, đạt hiệu quả, chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thống nhất. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Theo Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung cơ bản, những điểm mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức viên chức trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, tổ chức đảng cơ sở và từng đảng viên phải là nòng cốt vừa nghiên cứu học tập, vừa tuyên truyền hướng dẫn đồng thời gương mẫu chấp hành. Bên cạnh công tác tuyên truyền phải rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Tại TPHCM, công tác triển khai thi hành Hiến pháp được đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm 2014, Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, HĐND, UBND TP đã ban hành các thông tri, kế hoạch, hướng dẫn và đã tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung Hiến pháp cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, HĐND và UBND các quận - huyện, các báo cáo viên pháp luật thành phố… Từ nay đến cuối năm, Sở Tư pháp TP sẽ biên soạn và phát hành 60.000 quyển toàn văn Hiến pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành để cấp phát cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức thi tìm hiểu Hiến pháp; treo băng rôn, áp phích tuyên truyền. Một số nội dung mới của Hiếp pháp: Hiến pháp thể hiện rõ mục tiêu dân chủ và khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Về chế độ chính trị: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước. Về quyền con người: Hiến pháp tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Về kinh tế: Khẳng định kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, các cơ chế chính sách tạo ra sự bất bình đẳng. Về quản lý và sử dụng đất đai: Hiến pháp quy định Nhà nước chỉ được thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo qui định của pháp luật. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét