Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

on Leave a Comment

[Văn hóa-Giadinh.net] - Chặt chém, bán hàng kém chất lượng ở hội Phủ Dầy

GiadinhNet - Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) đang là chính hội nên du khách thập phương nô nức đến đây trẩy hội xin lộc, cầu duyên. Theo đó, các mặt trái dịch vụ như chặt chém, bán hàng kém chất lượng... cũng phủ dày khắp khu vực diễn ra lễ hội.


Quần áo cũ giá bèo ngay đường vào Phủ chính. Ảnh: M.H

Hàng giá “bèo”, chất lượng kém
Đang là chính hội nên khách thập phương đến Phủ Dầy khá đông. Trong khuôn viên di tích xuất hiện khá nhiều hình thức trục lợi chướng tai, gai mắt: Dịch vụ giải khát, trông xe… đua nhau thổi giá, chặt chém. Trông xe máy có giá 10.000- 15.000 đồng/chiếc, ô tô 40.000- 50.000 đồng/chiếc. Các loại nước ngọt thông thường như C2, Trà xanh không độ... ở đây có giá 15.000 đồng/chai, đắt gấp đôi giá bình thường. Bên cạnh đó là việc bán hàng kém chất lượng tràn lan, thịt sống bán ngay cạnh chùa, đao mác đồ chơi bán công khai…
Hai bên đường vào Phủ Tiên Hương (Phủ chính, thuộc khu quần thể di tích Phủ Dầy) san sát những quầy bán bánh kẹo nhãn mác thiếu chuẩn. Chúng tôi ghé vào một quầy hàng bánh kẹo, chị chủ hàng đon đả: “Chị bán toàn đặc sản đấy, em mua đi chị bán rẻ cho”. “Nhìn bánh kẹo em cũng thấy ngon nhưng nhãn mác đơn giản quá lại lo chất lượng không ổn”, chúng tôi tỏ ra lo lắng. “Chị đảm bảo luôn. Ngày nào chị chẳng ngồi đây, có phải đi bán rong ruổi làm điêu đâu mà em lo. Toàn đồ chị đặt, đặc sản vùng này”, chị chủ hàng quả quyết.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi giá thì những loại bánh kẹo nhãn mác thiếu chuẩn này có giá “cắt cổ”: 30.000 đồng/gói kẹo lạc 200g, trong khi cũng loại này bán tại một đại lý bánh kẹo cách Phủ Dầy gần 1km có giá 18.000 đồng; kẹo dồi có giá 25.000 đồng/gói, trong khi giá thường là 12.000 đồng/gói; bánh đa có giá 10.000 đồng/chiếc bình thường là 4.000 - 5.000 đồng/chiếc…
Đối lập với sự đắt đỏ này là sự xuất hiện cả dãy dài các hàng bán quần áo với giá siêu rẻ. Quần áo thời trang cũng là mặt hàng duy nhất ở đây được niêm yết giá khá rõ ràng. Chúng tôi vào một hàng bán quần áo giá rẻ, với cả dãy áo sơ mi được niêm yết 25.000- 35.000 đồng/chiếc luôn... bốc mùi khó chịu. Quan sát kỹ những chiếc áo sơ mi giá “bèo” này chúng tôi thấy nó không hề có nhãn mác, nhàu nát, cũ kỹ. Đem thắc mắc này hỏi chủ hàng thì chúng tôi được trả lời: “Áo xuất khẩu nhưng bị lỗi, người ta không dập mác nên mới có giá này đấy. Bán bên đường bụi bặm thế này, làm sao nhìn đẹp mắt được. Hàng giá bèo mua mặc 1-2 lần rồi vứt”. Khi ghé vào một cửa hàng khác, chị chủ hàng lại tỏ ra khá thành thật: “Giá rẻ vì nó là hàng cũ nhưng toàn hàng xịn nhé, mặc còn thích hơn cả đồ mới ấy chứ”. Đổi tiền lẻ, chơi đỏ đen, treo thịt tươi cạnh cửa Mẫu

Cả dãy hàng đổi tiền lẻ ngay cổng Phủ chính. Ảnh: TG


Chúng tôi vừa đặt chân đến cổng phủ chính lập tức bị bủa vây bởi những lời mời chào đổi tiền lẻ; “Đổi tiền lẻ vào chùa em ơi”; “Đổi tiền lẻ cho chị nào”; “Đổi tiền giá rẻ đi em 10 ăn 7 (100.000 đồng đổi 70.000 đồng tiền lẻ) nhưng bây giờ qua trưa rồi ưu ái đổi cho em 10 ăn 8 nào (100.000 đồng ăn 80.000 đồng)”… Khi nhận lời đổi một tập tiền cho một chị khéo miệng ở đó, chúng tôi định đếm chỗ tiền lẻ chị đưa, chị đổi tiền nhanh nhảu: “Không phải đếm đâu em, mấy đồng bạc lẻ ai làm thiếu làm gì”. Cuộc đổi tiền kết thúc, chúng tôi muốn kiểm tra độ thật thà của chị đổi tiền nên đếm thử thì phát hiện cọc tiền lẻ 80.000 đồng mà chị đưa chỉ có 70.000 đồng. Thật khó tin, nơi cổng chùa vẫn có gian thương vừa công khai làm dịch vụ cấm và mặc nhiên lừa khách.
Ngoài ra, nạn cờ bạc và bán sách bói toán cũng diễn ra công khai trong khuôn viên di tích dù trước đó, Ban tổ chức lễ hội và ngành Văn hóa Nam Định đã đặc biệt lưu ý tới vấn đề này. Đường lên đền Mẫu Thượng Ngàn, khách thập phương dễ dàng nhìn thấy những quầy bán sách mê tín dị đoan, những điểm "xóc bát, xóc đĩa", cờ thế ăn tiền, phi tiêu có thưởng… Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì phần lớn khách vào chơi xóc đĩa và cờ thế ăn tiền đều thua trận vì giờ chơi rất có hạn. Còn trò bắn phi tiêu có thưởng với phương thức chơi khó nên khách thường chỉ nhận được món quà rất nhỏ như dây đeo chìa khóa trị giá 4.000- 5.000 đồng.
Cách điện chính của đền Mẫu Thượng Ngàn khoảng 5m là các quán ăn bán đồ tươi sống. Khách thập phương nườm nượp đi qua với những lời mời chào vẫy gọi không ngớt của chủ hàng. Dừng lại cửa hàng ăn treo lủng lẳng thịt tươi ngay gần cửa Mẫu, chúng tôi thắc mắc: “Chị treo thịt tươi ngay sát cửa Mẫu mà không ai nói à”. “Chẳng ai nói sất. Đất là đất của chị, thuê cả đống tiền mới được ngồi đây đấy, em tưởng chị ngồi không phỏng? Phải phục vụ mọi nhu cầu của khách mới có tiền trả tiền thuê cửa hàng chứ”, chị chủ quán giải thích.
Điều mà nhiều du khách đến Phủ Dầy năm nay ghi nhận là nạn ăn xin và bắt chẹt du khách giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn tồn tại quá nhiều hình thức trục lợi khiến cho khung cảnh ở các điểm di tích trở nên nhếch nhác và an ninh khu vực nhộm nhoạm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để Phủ Dầy thật sự là chốn tôn nghiêm, điểm đến văn hóa, để lại những ấn tượng tốt trong lòng khách thập phương. Mai Hạnh - Đăng Hoàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét